Lịch sử Tiếng_Latinh

Lịch sử của tiếng Latinh được chia thành một vài giai đoạn lịch sử riêng biệt. Từng giai đoạn thể hiện một vài sự khác biệt tinh vi về từ vựng, cách sử dụng, chính tả, hình thái, cú pháp... Tuy nhiên, vì các nhà khoa học khác nhau sẽ nhấn mạnh các đặc điểm khác nhau nên có thể chia thành các giai đoạn khác nhau hay đặt tên khác cho các giai đoạn. Hơn nữa, tiếng Latinh Giáo hội là tiếng Latinh được các tác giả thuộc Giáo hội Công giáo Rôma sử dụng qua tất cả các giai đoạn lịch sử.

Tiếng Latinh cổ đại

Dạng sớm nhất của tiếng Latinh người ta biết đến là tiếng Latinh cổ đại, được sử dụng vào thời đại Vương quốc La Mã đến phần giữa thời đại Cộng hoà La Mã. Hình thức ngôn ngữ này được biết đến qua văn khắc và tác phẩm văn học sớm nhất bằng tiếng Latinh, như các tác phẩm hài kịch của PlautusTerentius. Trong thời đại này bảng chữ cái Latinh được phát triển dựa vào bảng chữ cái Etrusca. Lúc đầu chữ Latinh được viết từ phải qua trái, rồi trở nên theo lối đường cày,[4] rồi rốt cuộc đi từ trái qua phải.[5]

Tiếng Latinh cổ điển

Vào cuối thời đại cộng hoà và đầu thời đế quốc, một dạng tiếng Latinh mới là tiếng Latinh cổ điển nảy sinh, được những nhà hùng biện, nhà thờ, lịch sử và người hay chữ khác sáng tạo. Đây là dạng của thứ tiếng được sử dụng trong các tác phẩm cổ điển nổi tiếng nhất, được dạy trong trường ngữ pháp và hùng biện.

Tiếng Latinh bình dân

Phân tích ngữ văn của tác phẩm Latinh cổ đại —như các tác phẩm của Plautus có chứa một vài câu bằng thứ tiếng thông thường— chỉ ra rằng thứ tiếng nói là "tiếng Latinh bình dân" (mà Cicero gọi là sermo vulgi hay "cách nói của quần chúng nhân dân") tồn tại đồng thời cùng với tiếng Latinh cổ điển viết. Thứ tiếng thông thường này rất ít khi được viết, nên các nhà ngữ văn học chỉ có thể nghiên cứu một vài từ và cụm từ lẻ được tác giả cổ điển nêu lên hay câu đề lên tường.[6]

Khi Đế quốc La Mã sụp đổ thì tiêu chuẩn đào tạo giảm xuống. Người ta bắt đầu viết bằng một dạng của thứ tiếng giống cách nói thông thường hơn, được gọi là tiêng Latinh hậu kỳ. Lúc đó những dân tộc được La Mã hoá ở châu Âu cũng phát triển ngôn ngữ địa phương.[7] Dù các ngôn ngữ địa phương này có khác với nhau (như thứ tiếng nào khi được lan truyền rộng cũng sẽ vậy), nhưng cách nói của những vùng bây giờ là Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Ý vẫn giống nhau một cách đáng ngạc nhiên về hệ thống và cách phát triển âm vị, nhờ ảnh hưởng ổn định của nền văn hoá chung là Công giáo Rôma. Ngôn ngữ địa phương của vùng bây giờ là România toả ra nhiều hơn vì bị tách biệt từ ảnh hưởng thống nhất của phần Tây của đế quốc. Khi nhà Umayyad Hồi giáo xâm chiếm bán đảo Iberia vào năm 711 thì những ngôn ngữ địa phương khác mới bắt đầu toả ra thật.[8]

Muốn nghiên cứu tiếng Latinh bình dân thì nhà ngôn ngữ học có thể nghiên cứu các từ của các ngôn ngữ Rôman không được sử dụng trong tiếng Latinh cổ điển. Một ví dụ là từ "con ngựa": tiếng Ý là cavallo, Pháp là cheval, Tây Ban Nha là caballo, Bồ Đào Nha là cavalo, Catalunya là cavall... mà tiếng Latinh cổ điển là equus. Trong tiếng Latinh thì từ caballus là từ tiếng long được sử dụng một cách thông thường.[9]

Vào cuối thế kỷ IX, tiếng Latinh bình dân tan rã tạo ra nhiều thứ tiếng riêng biệt là nhóm ngôn ngữ Rôman. Lúc đó tài liệu sớm nhất viết bằng ngôn ngữ Rôman xuất hiện. Tuy nhiên, lúc đó người ta bình thường viết bằng tiếng Latinh trung cổ và ít khi viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là ngôn ngữ Rôman nào đó.

Tiếng Latinh trung cổ

Kinh Thánh bằng tiếng Latinh từ năm 1407

Tiếng Latinh trung cổ là tiếng Latinh được sử dụng trong khoảng lịch sử hậu cổ điển mà không có dân tộc nào nói tiếng Latinh một cách thông thường nữa. Tiếng Latinh nói đã phát triển thành nhóm ngôn ngữ Rôman. Tuy nhiên trong giới học thức và giới chính thức thì tiếng Latinh vẫn được sử dụng. Thêm hơn nữa, tiếng Latinh này khuếch trường đến vùng trước đó không lúc nào người ta nói tiếng Latinh, như vùng có dân tộc German hoặc Slav. Tiếng Latinh trở thành ngôn ngữ để các dân tộc thuộc Đế quốc La Mã Thần thánh và các quốc gia đồng minh có thể nói với nhau.

Tiếng Latinh thời Phục Hưng

Phần lớn các sách được in ở châu Âu vào thế kỷ XV là bằng tiếng Latinh. Những ngôn ngữ bản xứ chỉ có vai trò phụ.[10]

Trong thời đại Phục Hưng tiếng Latinh trở lại là ngôn ngữ nói nhờ nhà chủ nghĩa nhân văn sử dùng thứ tiếng này. Họ muốn tiếng Latinh trở nên như xưa, nên họ sản xuất ban điều chỉnh của các tác phẩm cổ điển, tựa vào thủ bản còn sống sót. Qua nỗ lực của họ nên tiếng Latinh trung cổ được "sửa" và trở nên gần tiếng Latinh cổ điển hơn.

Tiếng Latinh thời kỳ cận đại

Trong thời kỳ cận đại, tiếng Latinh vẫn là ngôn ngữ quan trọng nhất của nền văn hoá châu Âu. Vì vậy nên cho đến tận cuối thế kỷ XVII đa số những cuốn sách và gần như tất cả các văn kiện ngoại giáo được viết bằng tiếng Latinh. Sau thời kỳ cận đại thì đa số các văn kiện ngoại giáo được viết bằng tiếng Pháp hoặc ngôn ngữ bản xứ nào đó khác theo thoả thuận chung.

Tiếng Latinh hiện đại

Các biển báo tại ga tàu điện ngầm Wallsend (Anh) sử dụng cả hai tiếng Anh lẫn tiếng Latinh, tưởng niệm vai trò làm tiền đồn của đế quốc La Mã của Wallsend.

Tổ chức lớn nhất bây giờ vẫn sử dụng tiếng Latinh một cách chính thức và chuẩn chính thức là Giáo hội Công giáo Rôma. Tiếng Latinh có thể được sử dụng trong nghi thức thánh lễ, dù bây giờ những ngôn ngữ bản xứ được sử dụng nhiều hơn. Tiếng Latinh là ngôn ngữ chính thức của Toà Thánh và là ngôn ngữ chính của tạp chí của nó là Acta Apostolicae Sedis. Khoá sau đại học về luật giáo hội tại các trường đại học giáo hoàng cũng được dạy bằng tiếng Latinh, và sinh viên khi viết bài thì phải viết bằng tiếng Latinh.

Liên minh châu Âu là một tổ chức đa ngôn ngữ, nên sử dụng tiếng Latinh trong một vài logo. Hình này là biểu tượng của Hội đồng Liên minh châu Âu trước năm 2014, nói Consilium ("Hội đồng") bằng tiếng Latinh.

Tiếng Latinh cũng được một vài tổ chức đa ngôn ngữ, như Liên minh châu Âu sử dụng khi không thể sử dụng tất cả các ngôn ngữ của tổ chức đó. Ví dụ, trên các đồng xu và tem thư của Thuỵ Sĩ vì không có chỗ viết tên quốc gia bằng cả bốn ngôn ngữ chính thức nên tên được viết bằng tiếng Latinh là "Helvetia".

Có một vài phim xảy ra vào thời kỳ xưa, như SebastianeNỗi khố hình của Chúa, có những diễn viên nói bằng tiếng Latinh để phim hiện thực hơn. Cũng có bài hát có lời bằng tiếng Latinh, như trong opera Vua Oedipus của Igor Stravinsky.

Nhiều tổ chức và đơn vị hành chính ở thế giới phương Tây có khẩu hiệu bằng tiếng Latinh. Ví dụ khẩu hiệu của Canada là "A mari usque ad mare" ("Từ biển tới biển"), còn đại học Harvard có khẩu hiệu là "Veritas" ("Sự thật").

Thỉnh thoảng có kênh truyền thông sử dụng tiếng Latinh cho người hăng hái về tiếng Latinh. Một vài ví dụ là Radio Bremen tại ĐứcYle tại Phần Lan.[11] Cũng có nhiều trang mạng và diễn đàn do người hăng hái về tiếng Latinh viết, như Wikipedia tiếng Latinh có hơn một trăm nghìn bài bằng tiếng Latinh.

Nhiều trường trung học ở châu Âu và châu Mỹ có lớp học tiếng Latinh.